Sáng tạo, thích ứng linh hoạt khi dạy và học trực tuyến tại TH School
Cho mượn ipad, gửi tài liệu tận nhà
Cô Yvette Jeffrey, Hiệu trưởng khối Mầm non và Tiểu học TH School cho hay trong bối cảnh phải tạm dừng đến trường vì đai dịch, một trong những ưu tiên nhà trường đặt ra là duy trì việc học tập cho học sinh để các em không bị đứt đoạn giữa chừng.
Điều này đã thúc đẩy đội ngũ cán bộ, giáo viên phải tìm hiểu các phương pháp giáp dục hay nhất từ khắp nơi trên thế giới, sáng tạo ra những đổi mới của riêng mình, thích ứng linh hoạt và tạo nên chương trình đào tạo từ xa của trường.
“Đó là chương trình lấy học tập làm cốt lõi trọng tâm đồng thời cung cấp một phương pháp tiếp cận toàn diện, rộng rãi, hỗ trợ các con về mặt tâm lý và xã hội,” cô Yvette Jeffrey nói.
Nhiều giải pháp cụ thể đã được trường triển khai như gửi gói học liệu cho học sinh để hỗ trợ chương trình học trực tuyến, cho học sinh khối 4 và khối 5 mượn ipad để các con có thể tiếp tục trực tuyến, xây dựng thư viện trực tuyến, kết nối với phụ huynh để tăng cường sự hỗ trợ…
Trường cung cấp cả phương pháp học đồng bộ và không đồng bộ, hỗ trợ tính linh hoạt và sự tham gia của phụ huynh vào các thời điểm khác nhau trong ngày và cho phép học sinh xem lại các bài học.
Cô Vicky Ogilvie, giáo viên và điều phối khối Mầm non, Trường TH School cho hay học trong đại dịch, cả giáo viên và học sinh đã buộc phải nâng cao kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và phần mềm.
Những giáo viên như cô đã phải trau dồi kỹ năng của mình và trở nên sáng tạo hơn với việc thiết kế chương trình, đổi mới tài nguyên và phương pháp giảng dạy. Ví dụ, trẻ mầm non học tốt nhất với nhiều loại vật liệu mà các con có thể chạm vào và thao tác nên cô tạo ra các gói học liệu sắc màu, thú vị và hấp dẫn để phục vụ cho các bài học và gửi cho phụ huynh để trẻ có thể được sử dụng tại nhà.
“Cách tiếp cận thú vị này sẽ giúp các con muốn tương tác hơn và tập trung hơn vào một số học liệu sáng tạo. Các con có thể nắm sờ vào học liệu bằng chính tay mình, điều này xây dựng sự tự tin và tập trung cũng như kết nối trong não của các em,” cô Vicky Ogilvie nói.
Trong khi đó, học sinh phải học cách tự điều khiển micro và camera trên thiết bị của mình. Học sinh cũng độc lập và tự chủ hơn khi phải tự sắp xếp việc học và đưa ra sự lựa chọn. Các em cũng có ý thức cao hơn về bảo vệ sức khỏe và biết các biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe bản thân, đơn giản như việc rửa tay.
Hỗ trợ tối đa cho học sinh
Việc buộc phải dạy và học trực tuyến kéo dài vì dịch bệnh đã dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Vũ Khánh Linh, học sinh trường TH School cho hay em cảm thấy dễ bị nhàm chán với các giờ học lý thuyết và nhức mỏi mắt khi phải tiếp xúc quá nhiều với máy tính.
Theo cô Vicky Ogilvie, một hệ lụy quan trọng khác là việc thiếu kết nối khiến học sinh hạn chế kỹ năng xã hội và có thể cảm thấy cô đơn. Bên cạnh đó là những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật như chất lượng đường truyền Internet, sự cố máy tính làm gián đoạn việc học hay các vấn đề như tiếng ồn trong nhà khiến học sinh mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Để khắc phục những hạn chế này, nhiều giải pháp đã được các thầy cô giáo TH School triển khai như xây dựng thời gian nghỉ hợp lý trong buổi học để giảm cảm giác mệt mỏi, nhắc nhở phụ huynh để học sinh có không gian học yên tĩnh.
Vấn đề tâm lý và kỹ năng xã hội của học sinh được đặc biệt chú trọng. Giáo viên thường xuyên kiểm tra sức khỏe của học sinh, lên kế hoạch cho các hoạt động nhóm để học sinh tăng cường giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Học sinh sẽ bắt đầu buổi học mỗi sáng bằng việc thảo luận về cảm xúc và các em có thời gian để trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm hoặc nói về gia đình hay món đồ chơi của mình.
Cô Vicky Ogilvie chia sẻ: “Trong lớp của tôi, tôi thường mang thiết bị đi vòng quanh căn hộ và chào những chú mèo. Tôi cũng quay màn hình ra ngoài cửa sổ để xem thời tiết như thế nào hoặc sử dụng máy tính xách tay của tôi để đi tìm các ví dụ cho giờ ngữ âm. Các con cũng thay phiên nhau làm điều này và mô tả nơi các con sống và những gì các con có thể nhìn thấy và điều này khuyến khích trò chuyện và cảm giác bình thường. Các con cũng thể hiện sự tò mò tự nhiên của mình bằng cách đặt câu hỏi và tìm hiểu về nhau”.
Ở các bậc học lớn hơn, các em được đa dạng hình thức học tập nhằm tăng cường sự kết nối và tạo không khí vui vẻ, từ đó học tập hiệu quả hơn. “Các thầy cô luôn tìm những bài tập, hoạt động như làm dự án, video hay các trò chơi để khiến chúng em dễ nhớ hơn những kiến thức khô khan. Nhiều khi, thầy cô giáo cho chúng em một giờ ‘off-screen’ để đọc sách, thư giãn mắt,” học sinh Khánh Linh cho hay.
Đặc biệt, trong các sự kiện cuối học kỳ hay những ngày lễ, học sinh được giao lưu trực tuyến, cùng vẽ tranh, nấu ăn, chơi các trò chơi hay thực hiện các thí nghiệm khoa học cùng nhau nhằm giúp các em cảm nhận được không khí tập trung vui vẻ giống như khi tổ chức trực tiếp ở khuôn viên trường.
[Thách thức kép về dinh dưỡng học đường và khát vọng nâng cao tầm vóc Việt]
“Trong một thế giới luôn thay đổi, việc cung cấp sự ổn định và liên tục có tầm quan trọng sống còn đối với học sinh và đội ngũ giáo viên. Nó cung cấp sự thoải mái và hỗ trợ trong thời điểm lo lắng và bất ổn trong cộng động mà chúng ta đang sống. Đây là lý do tại sao nhà trường quyết định áp dụng sự thay đổi liên mạch giữa học trực tiếp và học trực tuyến. Nhà trường tin rằng điều này sẽ trở thành bình thường mới không chỉ trong trường học mà trên toàn thế giới. Và đó là một cách tiếp cận mà nhà trường rất hy vọng mọi người sẽ tham gia cùng chúng tôi,” cô Yvette Jeffrey, Hiệu trưởng nhà trường nói./.
Hà An (Vietnam+)